Văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

04/03/2015

Đó là nội dung buổi tọa đàm do Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức với sự tài trợ của sứ quán Ai len thông qua Quỹ Châu Á tại Việt Nam, ngày 5/11 tại Hà Nội.

Đó là nội dung buổi tọa đàm do Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức với sự tài trợ của sứ quán Ai len thông qua Quỹ Châu Á tại Việt Nam, ngày 5/11 tại Hà Nội.

Xây dựng văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong đội ngũ doanh nhân trẻ

Phó Chủ tịch Hội DNT Việt Nam Cao Hoài Dương cho biết, một hoạt động nằm trong chương trình trọng tâm của Hội DNT Việt Nam nhiệm kỳ 2014 – 2017 là xây dựng văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hội DNT Việt Nam sẽ triển khai rộng khắp hoạt động này từ Trung ương đến địa phương thông qua nhiều nội dung mà nội dung cốt lõi là đội ngũ doanh nhân trẻ phải tôn trọng pháp luật, thực hiện trách nhiệm với người lao động, cổ đông và xã hội.

Tọa đàm “Văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” – Ảnh: Minh Châu

Ở Việt Nam, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thường sử dụng định nghĩa của Nhóm phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững thông qua các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội.

Nói cách khác, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện một cách cụ thể trên các yếu tố: bảo vệ môi trường; đóng góp cho cộng đồng xã hội; thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp; bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng; quan hệ tốt với người lao động và đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp.

Có mặt tại buổi tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam là yêu nước, yêu dân. Từ xa xưa, giới doanh nhân đã chia sẻ với cộng đồng thành quả họ có được trong sản xuất, kinh doanh bằng cách xây đền, chùa, đường sá, nhà tế bần, nhà thương… và ngày nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam vẫn nối tiếp truyền thống tốt đẹp đó.

Doanh nghiệp phải có chiến lược trong thực hiện trách nhiệm xã hội

Trưởng đại diện Quỹ Châu Á Michael DiGregorio cung cấp thông tin, qua khảo sát 500 lãnh đạo doanh nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào tháng 10/2013, hơn 68% doanh nghiệp ở Hà Nội và 84% doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh quan tâm đến hoạt động từ thiện và có nhu cầu làm từ thiện.

Tuy nhiên, có đến 58% doanh nghiệp hỗ trợ nhưng không gắn các hoạt động hỗ trợ đó với mục tiêu kinh doanh. Phần lớn các hoạt động hỗ trợ từ thiện của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tập trung và các hoạt động hảo tâm, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai… trong khi theo các doanh nghiệp, những vấn đề then chốt có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là tham nhũng (61%), thất nghiệp (50%), ô nhiễm môi trường (47%) và chất lượng giáo dục (39%) thì hầu như ít doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ.

Theo ông Michael DiGregorio, điều này cho thấy nếu các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ tích cực, mạnh mẽ và chiến lược hơn thì không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng mà về lâu dài sẽ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mình. Các hình thức hỗ trợ cũng có thể đa dạng hơn như chuyên môn và công nghệ của doanh nghiệp, thời gian tình nguyện của người lao động chứ không đơn thuần chỉ là hỗ trợ bằng tiền mặt.

Trước những sự việc dư luận nghi ngờ hoạt động từ thiện của một vài doanh nhân, doanh nghiệp không “sạch”, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm “kiếm tiền là tài năng, tiêu tiền là văn hóa”. “Doanh nhân làm từ thiện, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội phải trên cơ sở hiệu quả công việc từ những đồng tiền chính đáng và quá trình đóng góp phải thể hiện ngày càng chuyên nghiệp hơn, để đồng tiền đóng góp, hoạt động thiện nguyện có hiệu quả nhất”, ông Dương Trung Quốc nói.

Ý kiến của đại diện các doanh nghiệp có mặt tại buổi tọa đàm đều thống nhất rằng, trách nhiệm xã hội luôn song hành với quá trình phát triển của doanh nghiệp. Thời gian tới, thay đổi cách làm là cần thiết và cần phải có sự tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm để hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực, rộng khắp hơn./.

Minh Châu
Theo dangcongsan.vn

FLEGT VPA Vietnam
Từ thiện doanh nghiệp