Doanh nhân tiêu tiền là văn hóa

05/03/2015

“Kiếm tiền là tài năng, tiêu tiền là văn hóa”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh trong tọa đàm “Văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” tổ chức tại Viện Dầu khí chiều 5/11. Giải thích về câu nói này, ông Dương Trung Quốc cho hay: người kiếm […]

“Kiếm tiền là tài năng, tiêu tiền là văn hóa”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh trong tọa đàm “Văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” tổ chức tại Viện Dầu khí chiều 5/11.

Giải thích về câu nói này, ông Dương Trung Quốc cho hay: người kiếm được tiền đương nhiên là người có tài; tuy nhiên khi doanh nghiệp tiêu tiền, sử dụng khối tài sản của mình như thế nào lại là chuẩn mực thuộc về văn hóa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Kiếm tiền là tài năng, tiêu tiền là văn hóa“.

Trách nhiệm xã hội với hiệu quả công việc

Theo ông Dương Trung Quốc, trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp Việt Nam đã có truyền thống từ rất xa xưa. Ý thức trách nhiệm của người doanh nhân trong hoạt động doanh nghiệp của mình, người ta luôn nghĩ đến việc chia sẻ.

Khi xã hội còn chưa có khái niệm doanh nhân, doanh nghiệp, ở thời kỳ Việt Nam có cả một thế hệ làm giàu từ lấm lem đất cát, chia sẻ xã hội của họ khi ấy có thể là việc xây dựng cho làng, cho xã những mái đình, mái chùa.

Tuy nhiên, câu chuyện xây chùa của thời hiện đại ngày nay lại khác hoàn toàn câu chuyện của ngày xưa. Hiện tượng rất lớn doanh nghiệp đổ vào việc xây chùa và họ chấp nhận sự kín đáo, không quá ồn ào. Theo ông Dương Trung Quốc, đây là dấu hiệu của “suy” chứ không phải dấu hiệu của “thịnh”.

Trái ngược với một số trường hợp kín đáo trong việc xây chùa, một số trường hợp doanh nhân mang tính phô trương. Và khi đó, người ta lại đặt ra câu hỏi: sự phô trương đó, sự giàu sang đó có phải là kết quả của quá trình kinh doanh “sạch” hay không?

Bàn thêm về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc lấy quan niệm của cụ Lương Văn Can khi cho rằng, điều đầu tiên trong việc dạy cách làm giàu là “đồng tiền của chúng ta kiếm được có phải là đồng tiền chính đáng hay không?”

Qua những ví dụ đó, ông khẳng định: “Doanh nhân làm từ thiện, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội phải trên cơ sở hiệu quả công việc từ những đồng tiền chính đáng và quá trình đóng góp phải thể hiện ngày càng chuyên nghiệp hơn, để đồng tiền đóng góp, hoạt động thiện nguyện có hiệu quả nhất”.

Chưa hiểu hết về trách nhiệm xã hội

Phát biểu trong diễn đàn, ông Michael DiGregorio Trưởng đại diện Quỹ Châu Á đưa ra những con số cụ thể: qua khảo sát 500 lãnh đạo doanh nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào tháng 10/2013, hơn 68% doanh nghiệp ở Hà Nội và 84% doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh quan tâm đến hoạt động từ thiện và có nhu cầu làm từ thiện.

Ông Michael DiGregorio Trưởng đại diện Quỹ Châu Á phát biểu trong buổi tọa đàm

Tuy nhiên, có đến 58% doanh nghiệp hỗ trợ nhưng không gắn các hoạt động hỗ trợ đó với mục tiêu kinh doanh. Phần lớn các hoạt động hỗ trợ từ thiện của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tập trung và các hoạt động hảo tâm, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai… trong khi theo các doanh nghiệp, những vấn đề then chốt có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là tham nhũng (61%), thất nghiệp (50%), ô nhiễm môi trường (47%) và chất lượng giáo dục (39%) thì hầu như ít doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ.

Theo ông Michael DiGregorio, điều này cho thấy nếu các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ tích cực, mạnh mẽ và chiến lược hơn thì không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng mà về lâu dài sẽ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mình.

Các hình thức hỗ trợ có thể đa dạng hơn như chuyên môn và công nghệ của doanh nghiệp, thời gian tình nguyện của người lao động chứ không đơn thuần chỉ là hỗ trợ bằng tiền mặt.

Bà Tô Kim Liên – Giám đốc Trung tâm Giáo dục và phát triển – lại cho rằng: các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hầu hết đều chưa thực sự nắm rõ và hiểu về trách nhiệm xã hội.

Trách nhiêm xã hội của doanh nghiệp hiểu một cách toàn diện là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững thông qua các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội.

Nói cách khác, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện một cách cụ thể trên các yếu tố: bảo vệ môi trường; đóng góp cho cộng đồng xã hội; thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp; bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng; quan hệ tốt với người lao động và đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp.

Để làm tốt những trách nhiệm xã hội, yêu cầu đầu tiên là doanh nghiệp cần phải hiểu một cách toàn diện và sâu sắc về trách nhiệm của mình, để thực sự biết tiêu tiền một cách văn hóa.

Kiều Luyến
Theo báo doanhnghiep.vn
 
FLEGT VPA Vietnam
Từ thiện doanh nghiệp