Hầu hết các công ty vẫn coi hoạt động từ thiện doanh nghiệp là hỗ trợ từ thiện đơn thuần. Những chương trình hay hoạt động hỗ trợ chưa được đánh giá xem những hoạt động đó có ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng hay những người hưởng lợi.
Chính phủ hiện nay gặp khó khăn và hạn hẹp về tài chính do tác động của toàn cầu hóa, suy thoái kinh tế. Thêm vào đó có rất nhiều vấn đề liên quan đến xã hội và môi trường mà hiện nay chính phủ không thể tự giải quyết được. Vì vậy xã hội trông chờ vào doanh nghiệp và mong muốn các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn để tìm ra các giải pháp đối những vấn đề và thử thách rất lớn của xã hội ngày nay. Đây có thể nói là một vai trò mới, một vai trò mà nhiều doanh nghiệp mới được làm quen.
Các doanh nghiệp cần coi hỗ trợ từ thiện là góp phần mang lại sự hợp tác, sáng tạo và những sáng kiến để có thể giải quyết những khó khăn và thử thách lớn của xã hội.
Các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức xã hội dân sự có thể giúp các doanh nghiệp đáp ứng được các mong đợi này của xã hội. Cần giúp lãnh đạo doanh nghiệp hiểu được khái nhiệm đầy đủ của từ thiện doanh nghiệp ngày này chứ không chỉ bó hẹp ở khái niệm từ thiện truyền thống (chỉ tập trung vào hỗ trợ khẩn cấp). Câng có những ví dụ điển hình, những thông điệp, những thành công và sự thay đổi mà các chương trình hay hoạt động từ thiện doanh nghiệp mang lại, và góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp của xã hội và cộng đồng với các quy mô khác nhau. Những ví dụ hay những câu chuyện mới, câu chuyện tích cực và ý nghĩa về từ thiện doanh nghiệp là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Và cần huy động sự tham gia của các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau, chứ không chỉ huy động tiền. Có như vậy mới có thể khuyến khích và huy động được nhiều nguồn lực và tài sản của doanh nghiệp để hỗ trợ các mục tiêu xã hội và môi trường.
Và để có thể có các câu chuyện đó ở Việt nam, các doanh nghiệp cần nắm rõ và có một sự hiểu biết thống nhất hơn về hỗ trợ từ thiện. Vai trò của các tổ chức NGO và các tổ chức xã hội dân sự là sẽ giúp các doanh nghiệp làm nên các câu chuyện hay và thú vị về hỗ trợ từ thiện và những câu chuyện đó sẽ tiếp tục được nhận rộng ở Việt Nam.
Các tổ chức NGO và XHDS cũng cần nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp để họ coi hỗ trợ từ thiện là một cách đầu tư sáng tạo vào xã hội. Những chương trình từ thiện doanh nghiệp phải được dựa trên nguyên tắc sáng tạo và mang lại sự thay đổi. Những chương trình này cần được thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp để có thể mang lại kết quả như mong đợi và phải giải trình được những kết quả đó. Chỉ có như vậy thì mới có thể huy dộng được các sức mạnh của các doanh nghiệp. Khi đó doanh nghiệp sẽ trở thành những tác nhân rất quan trọng mang lại sự thay đổi cho nhiều vấn đề xã hội và môi trường hiện nay. Những chương trình này nếu được thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả có thể tạo ra các cơ chế sáng tạo mang lại sự thay đổi mạnh mẽ và giúp doanh nghiệp có thể có vị trí quyền lực để giúp giải quyết những vấn đề to lớn và phức tạp của xã hội.
Một trong những tín hiệu tốt là các doanh nghiệp Việt Nam đều quan tâm và khẳng định sự tham gia của họ vào việc giải quyết các vấn đề về xã hội và môi trường hiện nay.