Các lĩnh vực hoạt động của NGO/CSO

04/03/2015

Xóa nghèo và phát triển cộng đồng là những lĩnh vực trọng tâm truyền thống của các CSO Việt Nam. Các hoạt động này đặc biệt tập trung nhiều tại các vùng sâu vùng xa và những vùng có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống, chủ yếu được tài trợ bởi các nhà tài trợ quốc tế hoặc từ nguồn ngân sách nhà nước.

Xóa nghèo và phát triển cộng đồng là những lĩnh vực trọng tâm truyền thống của các CSO Việt Nam. Các hoạt động này đặc biệt tập trung nhiều tại các vùng sâu vùng xa và những vùng có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống, chủ yếu được tài trợ bởi các nhà tài trợ quốc tế hoặc từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của xã hội dân sự trong thời gian vừa qua, phạm vi hoạt động cũng được mở rộng sang một loạt các mô hình sinh kế và lĩnh vực trọng tâm khác như giáo dục, bình đẳng giới, quản lý tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Biểu dưới đây chia các lĩnh vực hoạt động của các tổ chức được khảo sát theo địa phương (tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung xu hướng của các CSO ở Hà Nội là tập trung vào nghiên cứu, phân tích chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, trong khi các CSO ở TPHCM thiên về các vấn đề xã hội cụ thể và cung cấp dịch vụ cho các nhóm dân cư thiệt thòi hơn trong cộng đồng. Các vấn đề liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên, người tàn tật và người nhiễm HIV/AIDS chiếm phần lớn hơn trong công việc của các tổ chức ở TPHCM so với đồng nghiệp của họ ở Hà Nội. Lịch sử lâu đời của các hoạt động xã hội ở miền Nam dưới giác độ nghiên cứu và thực tiễn cũng như sự tham gia mạnh hơn của các tổ chức dựa trên tôn giáo trong các hoạt động phi lợi nhuận và từ thiện ở TPHCM đã giúp giải thích các khác biệt này. Hơn thế nữa, trọng tâm tương đối của các tổ chức ở Hà Nội là các vấn đề liên quan đến môi trường, quản trị nhà nước và quản lý tài nguyên thiên nhiên có lẽ có thể được giải thích bởi thực tế rằng các lĩnh vực này thường đưa đến vận động chính sách và đây là chiến lược được áp dụng ở hầu hết các tổ chức ở Hà Nội.

Sự gần gũi với các nhà tài trợ song phương và các tổ chức quốc tế cũng góp phần định hình cho chương trình hoạt động của các tổ chức ở Hà Nội. Một ví dụ là biến đổi khí hậu đang là một chủ đề nóng trong cộng đồng các nhà tài trợ phát triển trên toàn thế giới và sự dễ dàng có được nguồn tài trợ cho các dự án trong lĩnh vực này đã tạo động cơ cho các CSO Hà Nội định hướng các hoạt động của mình theo chủ đề giảm nhẹ hoặc thích nghi với biến đổi khí hậu. Điều này không thật phù hợp với thực tiễn rằng biến đổi khí hậu có xu hướng gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn ở miền Nam.

Các lĩnh vực hoạt động của 62 tổ chức tham gia khảo sát tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
Các lĩnh vực hoạt động của 62 tổ chức tham gia khảo sát tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Trong số 62 trung tâm và viện được phỏng vấn, chỉ có 13 hoạt động trong một lĩnh vực duy nhất. Các CBO ngược lại có xu hướng chỉ tập trung vào một hoặc hai lĩnh vực, đặc biệt là khi họ chuyên tâm trong lĩnh vực công tác trẻ em hoặc người tàn tật. Các tổ chức làm việc trong nhiều lĩnh vực luôn nhấn mạnh rằng các can thiệp đa chiều là cần thiết để giải quyết các vấn đề phát triển phức tạp cũng như các vấn đề xã hội, trong khi các tổ chức làm việc trong một lĩnh vực cụ thể thì lại nhấn mạnh đến lợi ích của các can thiệp sâu và tập trung.

Hầu hết các CSO ở cả Hà Nội và TPHCM đều tiếp tục hoạt động với các vấn đề mà họ bắt đầu từ khi thành lập. Tuy nhiên một số đáng kể các tổ chức, bao gồm gần một nửa trong số 38 CBO và trên 30% trong số 48 trung tâm được khảo sát nói rằng họ đã thay đổi trọng tâm hoạt động của mình để thích ứng với nhu cầu chính trị xã hội thay đổi cũng như đáp ứng yêu cầu của các nguồn tài trợ.

Trong hầu hết các trường hợp mà thay đổi trọng tâm hoạt động không phải do thiếu nguồn tiền cho hoạt động, các CSO chọn mở rộng phạm vi của các hoạt động hiện tại hơn là chuyển hướng hoàn toàn. Một số xu hướng có thể thấy rõ là:

  • Sự chuyển dịch từ hỗ trợ trực tiếp với tư cách cung cấp dịch vụ sang các cách tiếp cận sử dụng các chiến lược truyền thông và vận động.
  • Đối với một số tổ chức mở rộng phạm vi hoạt động hàm ý mở rộng diện khách hàng mục tiêu và những người thụ hưởng.
  • Đối với các tổ chức khác thì ngược lại là thu hẹp lựa chọn đối tượng thụ hưởng mục tiêu trong khi cung cấp các hỗ trợ toàn diện hơn cho một nhóm nhỏ hơn.

 

Xem báo cáo đầy đủ tại đây: TAF-CSOs-Comparative-Study-Report-VN.pdf

Xem thêm: Danh mục các tổ chức NGO tại Việt Nam

Ghi chú: Các lĩnh vực hoạt động của NGO/CSO: Theo nghiên cứu so sánh về xã hội dân sự ở Việt Nam, do Quỹ Châu Á tiến hành tháng 10 năm 2012 (trang 23)

FLEGT VPA Vietnam
Từ thiện doanh nghiệp