Văn hoá doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

04/03/2015

Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam vừa phối hợp Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức Tọa đàm “Văn hoá doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” với sự tài trợ của sứ quán Ai Len (Irish Aid) thông qua Quỹ Châu Á tại Việt Nam. Đây là một trong chuỗi hoạt động […]

Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam vừa phối hợp Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức Tọa đàm “Văn hoá doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” với sự tài trợ của sứ quán Ai Len (Irish Aid) thông qua Quỹ Châu Á tại Việt Nam. 

Đây là một trong chuỗi hoạt động nằm trong chương trình hoạt động trọng tâm của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017: “Xây dựng văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” và cũng là một hoạt động quan trọng trong phạm vi dự án: “Tăng cường hiểu biết và sự tham gia vào hỗ trợ cộng đồng một cách có chiến lược cho các doanh nghiệp Việt Nam”.

Quang cảnh tọa đàm “Văn hoá doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”

Theo các chuyên gia, ở Việt Nam, thường sử dụng định nghĩa của Nhóm phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng thế giới về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Theo đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội. Nói cách khác, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững luôn phải tuân theo những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên và phát triển cộng đồng. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện một cách cụ thể trên các yếu tố như: Bảo vệ môi trường; Đóng góp cho cộng đồng xã hội; Thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp; Bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng; Quan hệ tốt với người lao động; và Đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao đông trong doanh nghiệp.

Một trong những nội dung thể hiện văn hóa của doanh nhân, doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng đó là vấn đề từ thiện xã hội – một hoạt động hiện nay được rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Theo khảo sát của Quỹ Châu Á với 500 lãnh đạo doanh nghiệp tại Hà Nội và TP HCM tiến hành vào tháng 10/2013, mặc dù, hơn 68% doanh nghiệp ở Hà Nội và 84% doanh nghiệp ở TP HCM quan tâm đến hoạt động từ thiện và có nhu cầu làm từ thiện dưới nhiều hình thức, nhưng có đến 58% doanh nghiệp hỗ trợ nhưng không gắn các hoạt động hỗ trợ đó với mục tiêu kinh doanh. Phần lớn các hoạt động hỗ trợ từ thiện của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tập trung vào các hoạt động hảo tâm, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai (73% doanh nghiệp hỗ trợ các hoành cảnh khó khăn, 51% cứu trợ thiên tai, 47% xóa đói giảm nghèo, trong khi đó chỉ có 7% cho lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác…). Trong khi đó, theo các doanh nghiệp thì những vấn đề then chốt có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là tham nhũng (61%), thất nghiệp (50%), ô nhiễm môi trường (47%), và chất lượng giáo dục (39%) thì hầu như ít doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ những lĩnh vực đó. Điều này cho thấy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ tích cực, mạnh mẽ và chiến lược hơn thì không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng mà về lâu dài sẽ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mình. Các hình thức hỗ trợ cũng có thể đa dạng hơn, ví dụ thời gian tình nguyện của người lao động, chuyên môn và công nghệ của doanh nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần hỗ trợ tiền mặt như hiện nay.

P. Nam
Theo xembaomoi.com 

FLEGT VPA Vietnam
Từ thiện doanh nghiệp