Giải mã chuyện người Sài Gòn làm từ thiện

04/03/2015

Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu văn hóa lâu năm, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM) đã có những chia sẻ thú vị về văn hóa từ thiện của người Sài Gòn.

“Ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp tham gia các hoạt động từ thiện, trong khi ở TPHCM, tỷ lệ này lên tới 66%”.

Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu văn hóa lâu năm, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM) đã có những chia sẻ thú vị về văn hóa từ thiện của người Sài Gòn.

Xuất phát từ tính cách truyền thống của người Việt vùng Nam Bộ

Giáo sư có thể chia sẻ cảm nhận chung của mình về các hoạt động từ thiện tại TP.HCM?

Tôi thấy hoạt động từ thiện tại Nam Bộ nói chung và nói riêng nổi trội hơn hẳn so với khu vực phía Bắc cả về quy mô, mức độ và có những nét đặc trưng riêng rõ rệt. Điều này không chỉ thấy qua cảm nhận của nhiều người, mà còn được khẳng định bằng những số liệu điều tra. Nghiên cứu “Đóng góp từ thiện tại Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương ở Hà Nội thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Châu Á gần đây cho thấy tại thời điểm khảo sát, ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp đang tham gia ít nhất vào một hoạt động từ thiện, trong khi ở TP.HCM tỷ lệ này lên tới 66%. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp ở TP.HCM đóng góp cho hoạt động từ thiện số tiền nhiều hơn khoảng 8 – 9 lần so với các doanh nghiệp ở Hà Nội.

GS-Tran-Ngoc-Them

Giáo sư Trần Ngọc Thêm: “Vì có nguồn gốc từ những tính cách văn hóa như trọng nghĩa, hào hiệp, bao dung nên người Nam Bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng thường không hay tính toán”.

Theo Giáo sư, các hoạt động thiện nguyện tại TP.HCM xuất phát từ những yếu tố nào?

Theo tôi, những hoạt động này xuất phát từ những đặc trưng tính cách của người Nam Bộ. Trong cuốn sách “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” xuất bản gần đây, tôi đã chỉ ra rằng, do Nam Bộ vốn là một vùng đất giàu có, điều kiện tự nhiên phong phú, thời tiết không biến động nhiều nên người Nam Bộ không phải tích cốc phòng cơ, không phải quá lo lắng về miếng ăn chỗ ở, khác hẳn với vùng đồng bằng sông Hồng, nơi có thời tiết khí hậu thất thường, lại thêm đất chật người đông. Ngay từ cách đây ba thế kỷ, tổ tiên của người Việt ở Nam Bộ, vốn đều là những di dân từ miền Trung, cho nên dù không quen biết nhau, nhưng ra đường họ vẫn tự nguyện giúp đỡ và bao bọc nhau ở nơi xứ người. Khi dân số đông lên, người Nam Bộ cũng không cần phải sống co cụm thành làng xã khép kín như ở miền Bắc, họ rất dễ di chuyển, dễ thay đổi chỗ ở, do vậy mà vẫn duy trì đức tính hào hiệp tương trợ giúp đỡ bất kỳ ai gặp khó khăn.

Từ những điều kiện tự nhiên và xã hội đó đã hình thành nên tính trọng nghĩa, tính hào hiệp, tính bao dung, tính mở thoáng như những đặc trưng tính cách của người Việt vùng Tây Nam Bộ. Tinh thần trọng nghĩa khinh tài thể hiện rất rõ qua “Lục Vân Tiên” của cụ Nguyễn Đình Chiểu, qua hàng loạt tiểu thuyết phong tục và thế sự của Hồ Biểu Chánh… Chỉ ở Tây Nam Bộ mới có truyền thống để những lu nước và những chiếc gáo ven đường cho khách bộ hành uống đỡ khát; để những bó lá dừa khô nhỏ trước ngõ cho người đi đêm hết đuốc lấy thắp sáng lối đi…

Các phong trào xóa đói giảm nghèo, làm nhà tình thương, xây nhà tình nghĩa… xuất phát từ thời gian qua; văn hóa hoạt động từ thiện ở TP.HCM hiện nay chính là sự phát triển tất yếu từ những tính cách truyền thống của người Việt vùng Nam Bộ.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, cũng xuất hiện một bộ phận làm từ thiện để thông qua đó đánh bóng tên tuổi mình, quảng cáo cho công ty của mình. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng ở TP.HCM, những trường hợp này không nhiều.

nhieu-manh-doi-can-duoc-giup-do

Nhiều mảnh đời cần được giúp đỡ tại Sài Gòn

Không chỉ là chuyện “con cá” với “cần câu”

Văn hóa hoạt động từ thiện ở TP.HCM có những biểu hiện như thế nào, thưa ông?

Biểu hiện như thế nào ư? Rất đa dạng. Từ những thùng trà đá miễn phí ven đường, những nồi cháo từ thiện trong các bệnh viện, những bữa cơm chay từ thiện, những quán cơm giá rẻ ở rải rác nhiều nơi cho đến những bộ quần áo, những cuốn sách, những ngôi nhà, những trại trẻ mồ côi, những lớp học chữ, những lớp học nghề…

Vì có nguồn gốc từ những tính cách văn hóa như trọng nghĩa, hào hiệp, bao dung nên người Nam Bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng thường không hay tính toán. Đặc tính của người Nam Bộ là cái gì không đáng lấy tiền thì giúp luôn. Ví dụ như khi vào một cửa hàng dịch vụ nào đó ở TP.HCM, những cái lặt vặt họ không tính tiền, dù mình có nài nỉ họ cũng không lấy. Người bất hạnh, người lạ, thường được giúp đỡ tận tình.

Gần đây, dư luận đang ồn ào quanh mô hình cơm từ thiện có mức giá 2.000 đồng. Có người nói rằng đây chỉ là “con cá” chứ không phải là “cần câu”. Giáo sư nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ, hoạt động từ thiện cần phải rất đa dạng để đáp ứng những nhu cầu đa dạng khác nhau. Với những người khỏe mạnh, có sức vóc nhưng chưa có công ăn việc làm thì cái họ cần là việc làm. Ở TP.HCM đã có không ít các lớp dạy nghề, dạy chữ được mở ra để trao cho họ cái “cần câu”; có những doanh nghiệp, công ty tư nhân sẵn sàng giúp đỡ bằng cách nhận vào làm việc hoặc giới thiệu việc làm. Có những doanh nghiệp giúp luôn cả chỗ ở, bữa ăn.

Với những người có việc làm rồi nhưng thu nhập không cao, họ phải dè xẻn chi tiêu thì những bữa cơm với mức giá 2.000 đồng có thể giúp họ tiết kiệm được thêm chút ít để chi tiêu vào việc khác hoặc gửi về giúp người thân.

Với những người không nơi nương tựa lại rơi vào cảnh ốm đau, cái họ cần là “con cá” chứ không phải “cần câu”. Hoặc với những người gặp tai nạn bất ngờ, gặp thiên tai, lũ lụt…, trong phút chốc mất trắng tất cả, cái người ta cần ngay tức thì là manh áo, gói mỳ. Khi bão qua rồi thì việc giúp dựng lại nhà, cung cấp cho họ dụng cụ để lao động mới là cấp thiết.

Như thế, vấn đề không phải là lựa chọn cứng nhắc “con cá” hay “cần câu”, mà là mọi thứ cần phải đúng lúc, đúng chỗ. Chỉ có đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng chỗ thì hoạt động từ thiện mới đem lại hiệu quả thiết thực.

noi-com-2-nghin-dong

“Nồi cơm 2.000 đồng hay những hoạt động từ thiện khác khiến người ngoại tỉnh ỷ lại là không đúng”
- Giáo sư Trần Ngọc Thêm (Ảnh: Thanh Phương)

Giáo sư có nghĩ rằng các hoạt động từ thiện tại Sài Gòn nói chung và mô hình cơm 2.000 đồng nói riêng có thể khiến cho dân ngoại tỉnh ỷ lại không?

Tôi nghĩ cơm 2.000 đồng là một mô hình hiệu quả vì những người tổ chức đã tính toán kỹ: họ không cung cấp cả 3 bữa cơm trong một ngày, cả 7 ngày trong một tuần. Một tuần chỉ có 3 bữa cơm 2.000 đồng vào những ngày nhất định (như thứ 2 – 4 – 6). Thành ra kẻ muốn lợi dụng cũng khó có thể lợi dụng được. Những bữa cơm như thế giúp người nghèo cảm thấy ấm lòng và tin tưởng hơn vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, giúp họ thêm tinh thần và nghị lực để sống, để làm việc.

Nói cơm 2.000 đồng hay những hoạt động từ thiện khác khiến người ngoại tỉnh ỷ lại là không đúng. Bởi lẽ, dân ngoại tỉnh nhìn chung là những người có ý chí. Họ đến thành phố thường là với mục đích để kiếm tiền gửi về quê giúp gia đình chứ không phải đến vì bữa cơm 2.000 đồng. Những quán cơm xã hội này không làm thay đổi số lượng của dân nhập cư. Trước đó, họ vẫn tìm vào thành phố để mưu sinh. Hiện nay vẫn có rất nhiều người nhập cư không biết có những quán cơm được trợ giá trong thành phố.

Chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện

Giáo sư nhận thấy hoạt động từ thiện tại TP.HCM còn vướng phải khuyết điểm nào?

Tôi thấy bên cạnh những hoạt động thiện nguyện rất có ý nghĩa, song cũng có một số nhỏ lợi dụng danh nghĩa làm từ thiện để mưu lợi cho bản thân.

Ví dụ, một người đứng ra nấu một nồi cháo từ thiện, sau đó nhờ sinh viên tình nguyện mang vào bệnh viện để phát cho mọi người. Khi hoạt động này lớn mạnh thì sẽ có các mạnh thường quân muốn hỗ trợ, vì có nhiều người muốn làm từ thiện nhưng do bận việc nên không thể tham gia trực tiếp được. Trong trường hợp này, không loại trừ khả năng người nhận tiền đóng góp của các mạnh thường quân để trực tiếp đứng ra làm từ thiện có thể trục lợi. Thực hư thế nào không rõ, cách làm này tạo nên những ngờ vực không đáng có. Việc đóng góp “hòm công đức” ở nhiều nơi cũng rơi vào tình trạng như vậy.

nhom-tu-thien-phat-chao-cho-nguoi-vo-gia-cu

Nhóm từ thiện đến phát cháo cho người vô gia cư

Vậy theo Giáo sư làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Chúng ta nên chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện. Cần có những quy chế và luật định. Nhà nước cần ban hành những quy định chặt chẽ để bắt buộc các tổ chức từ thiện phải minh bạch và công khai số tiền đóng góp của các mạnh thường quân cũng như những khoản thu chi trong quá trình hoạt động của mình.

Làm được như vậy thì mạnh thường quân và người dân mới không nghi ngờ. Chẳng hạn, khi bắt buộc công khai tên và số tiền đóng góp, nếu một mạnh thường quân nào không thấy tên họ xuất hiện đúng với số tiền đã đóng góp thì họ có thể sẽ lên tiếng hoặc sau đó sẽ không tiếp tục đóng góp vào địa chỉ này nữa.

Điều cuối cùng mà Giáo sư muốn chia sẻ về các hoạt động từ thiện tại TP.HCM là gì?

Về cơ bản các hoạt động từ thiện tại TP.HCM đang đi đúng hướng. Những đức tính tốt đẹp của người Nam Bộ cần được duy trì, những phẩm chất tốt đẹp của con người cần được phát huy. Những mô hình như “Hiệp sĩ đường phố” xuất hiện ở Bình Dương và TP.HCM (cũng là một dạng từ thiện – từ thiện bằng xương máu) cần được nhân rộng. Có rất nhiều mô hình từ thiện có ý nghĩa khác đang nảy sinh và trở thành phổ biến. Song cũng có thể có những hoạt động không đúng hướng gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Vì vậy, cần có Nhà nước can thiệp và định hướng để những hoạt động thiện nguyện được khuyến khích nhiều hơn, được lan tỏa và thu hút nhiều người hơn cùng tham gia.

Minh Vương

FLEGT VPA Vietnam
Từ thiện doanh nghiệp